Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu “Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” |
Ngày 29/11, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức họp giới thiệu Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng các cơ quan, đơn vị truyền thông trên cả nước.
Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, giao cho Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội, ngành hàng trên cả nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các thương nhân, tổ chức và cá nhân liên quan, các cơ quan và đơn vị truyền thông cùng phát động, thực hiện.
Tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 được xây dựng và triển khai trên cơ sở tạo ra một khoảng thời gian vào dịp cuối năm để tất cả các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại.
Theo đó hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%.
Theo quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP “Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%”.
Như vậy theo Quyết định và quy định trên, thương nhân được thực hiện khuyến mại lên đến hạn mức 100% từ ngày 4/12 đến ngày 9/2/2024.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đồng thời đảm bảo việc thực hiện các hoạt động khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như các quy định về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Với hiệu ứng kết nối cung cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp với hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đồng hành với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng/khách hàng trên cả nước trong Chương trình sẽ là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Ông Mai Văn Sơn, Trưởng phòng Pháp chế và Quản lý xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) chia sẻ, Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 được thực hiện trên phạm vi cả nước. Hiện hơn 40 địa phương đã ban hành chương trình riêng, lồng ghép cùng các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động văn hoá du lịch khác nhằm tạo không gian tiêu dùng rộng mở cho người dân.
Năm nay ban tổ chức kỳ vọng sẽ có hơn 100.000 chương trình được các doanh nghiệp thực hiện đóng góp vào tăng trưởng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.
Năm 2022, có hơn 68.699 chương trình do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 10/2022 và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tháng 12/2022 là 515,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng 11 và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.