Đại diện Bộ Công Thương thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Lam Giang
Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, chương trình nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng các hình thức mua hàng, khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Qua đó tổ chức các hoạt động phát động, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mại kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử giúp tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Tất cả các doanh nghiệp đều có quyền hưởng ứng, tham gia Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023” bằng việc chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn hướng đến khách hàng, người tiêu dùng; chủ động quyết định áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa (lên đến 100%). Mức giảm giá tối đa được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đồng thời bảo đảm việc thực hiện các hoạt động khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như các quy định về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Nhiều sản phẩm sẽ được giảm giá 100% trong Chương trình Khuyến mại quốc gia 2023. Ảnh: Lam Giang
Đồng hành với chương trình là các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Năm 2022, có hơn 68.699 chương trình do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2022 đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 10-2022 và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tháng 12-2022 là 515,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng 11 và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay ban tổ chức kỳ vọng sẽ có hơn 100.000 chương trình được các doanh nghiệp thực hiện đóng góp vào tăng trưởng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023